Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Đề-Đáp án thi thử Quảng Trị 2009

I. PHẦN CHUNG CHO CẢ HAI BAN (5 điểm):

Câu 1: (2 điểm):
Anh (chị) hãy giải thích ngắn gọn ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn.

Câu 2: (3 điểm)
Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, nhà văn Lưu Quang Vũ có viết: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) nói lên suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm sống nêu trên.

II. PHẦN RIÊNG DÀNH CHO TỪNG BẠN (5 điểm):

Thí sinh chỉ được chọn một trong hai câu 3a hoặc 3b:

Câu 3a: (Dành cho thí sinh học chương trình Cơ bản):
Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Câu 3b: (Dành cho thí sinh học chương trình Nâng cao):
Phân tích màu sắc Nam Bộ được thể hiện trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

--------------Hết.--------------

ĐÁP ÁNA. YÊU CẦU CHUNG:
1. Học sinh xác định đúng yêu cầu của đề bài, phần II trong đề phải chọn đúng câu phù hợp với chương trình mình học, không được làm cả 2 câu.
2. Nắm vững phương pháp làm bài, hành văn lưu loát, không vi phạm nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ:
Ngoài những yêu cầu chung nêu trên, ở từng câu cụ thể, học sinh phải nêu được các ý sau:
Câu 1: Thuốc là một nhan đề mang tính đa nghĩa:
a. Nghĩ thông thường: Đó là phương thuốc chữa bệnh lao
b. Nghĩa tượng trưng:
- Phương thuốc chữa bệnh u mê, lạc hậu, vô cảm của người dân Trung Hoa đương thời.
- Phương thuốc chữa bệnh xa rời quần chúng của người một số cán bộ Cách mạng đương thời.
Biểu điểm:
- Ý a: 0,5 điểm; - Ý b: mỗi ý nhỏ o,75 điểm
(Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh trình bày rõ ràng, mạch lạc)

Câu 2:
Yêu cầu về nội dung:
a. Học sinh hiểu được thực chất câu nói của Lưu Quang Vũ: Con người phải sống thật với chính mình.
b. Lí giải được tại sao con người phải sống thật với chính mình (con người là một thực thể thống nhất giữa hai mặt tinh thần và thể xác. Nếu không sống thực với mình thì con người sẽ đau khổ và sẽ gây ra đau khổ, tai hoạ cho những người xung quanh...)
c. Biết liên hệ với thực tế cuộc sống hiện nay để chỉ ra tác hại của cách sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Từ đó rút ra bài học cho bản thân: Hãy trung thực với bản thân, đừng tự lừa dối mình và lừa dối những người xung quanh.
Yêu cầu về dựng đoạn:
a. Viết đúng dung lượng yêu cầu: khoảng trên 200 từ.
b. Đoạn văn mạch lạc, thể hiện được tính liên kết và hướng kết cấu.
* Biểu điểm: Giáo viên chú ý kết hợp cả 2 yêu cầu trên để chấm:
- Điểm 3: Học sinh xác định đúng trọng tâm, biết cách làm một bài nghị luận xã hội; đảm bảo được các ý nêu trên; văn viết chặt chẽ, mạch lạc.
- Điểm 1-2: Học sinh nêu được 2/3 số ý. Văn viết tương đối mạch lạc; không sai nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
- Điểm dưới 1: Chỉ nêu được ½ số ý nêu trên; sai nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
- Điểm 0: Lạc đề.

Câu 3a: Ngoài yêu cầu nêu ở mục I, học sinh cần nêu được các ý sau:
a. Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm tiêu biểu cho nhiều sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975: những băn khoăn, trăn trở về thân phận, phẩm giá con người thời hậu chiến.
b. Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ lao động có ngoại hình thô kệch, xấu xí mang đậm dấu ấn của cuộc sống lam lũ, vất vả (Dẫn chứng)
c. Đó là người phụ nữ nhẫn nhục, cam chịu.
d. Đó là người có tấm lòng hi sinh và tình yêu thương vô bờ bến đối với con, có sự am hiểu sâu sắc về lẽ lời (dẫn chứng)...
e. Người đàn bà không tên này có ý nghĩa điển hình cho rất nhiều người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Qua nhân vật ta thấy được sự yêu thương và nỗi lo âu khắc khoải của nhà văn đối với con người.
* Biểu điểm:- Điểm tối đa khi học sinh đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, khuyến khích những bài viết sáng tạo.
- Điểm 3-4: Học sinh có thể thiếu một vài ý nhỏ (3a, 3e), văn viết tương đối mạch lạc, chặt chẽ.
- Điểm dưới 2: Chỉ đáp ứng được ½ số ý. Còn mắc khá nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 0: Lạc đề.

Câu 3b: Học sinh chỉ rõ các phương diện thể hiện rõ chất Nam Bộ trong văn Nguyễn Thi:
a. Tái hiện một cách chân thực cuộc chiến đấu ác liệt của đồng bào miền Nam trong chống Mỹ.
b. Khắc hoạ đậm nét tính cách của người miền Nam: Bộc trực, thẳng thắn, yêu thương, căm thù giặc, gắn bóm tự hào về truyền thống gia đình...
c. Ngôn ngữ kể chuyện mang đậm sắc thái miền Nam.
* Biểu điểm:
- Điểm tối đa khi học sinh đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, khuyến khích những bài viết sáng tạo.
- Điểm 3-4: Học sinh có thể thiếu một ý nào đó, văn viết tương đối mạch lạc, chặt chẽ.
- Điểm dưới 2: Chỉ đáp ứng được ½ số ý. Còn mắc khá nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 0: Lạc đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét