Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Dàn ý: Hình ảnh NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI - Một hạt ngọc ẩn giấu đằng sau vẻ lam lũ...

- Người phụ nữ không tên là dụng ý của NMC. NHân vật sẽ hiện lên vừa khái quát vừa cụ thể. Chị là hiện thân, là tiêu biểu cho số phận, phẩm chất của vô vàn những người phụ nữa làng chài khác.
- Ngoại hình:
+ Xấu xí, thô kệch (Khác với nét đẹp trong sáng, thánh thiện như đóa ban rừng của Mị)
+ Gợi ra cuộc sống lam lũ, vất vả- Số phận:
+Vật chất: Nghèo khổ, lạc hậu: đông con, thuyền chật chội, những ngày biển động cả nhà ăn xương rồng luộc chấm muối… (ước mơ bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường).
+ Tinh thần: Bất hạnh: bị chồng đánh đập dã man, tàn nhẫn: 3 ngày trận nhỏ, 5 ngày trận lớn; CHị còn cảm thấy xấu hổ, nhục nhã; luôn nơm nớp lo sợ con mình sẽ bị tổn thương khi thấy cảnh mình bị đánh…=> Nghèo khổ, bất hạnh
- Phẩm chất:
+ Cam chịu, nhẫn nhục
+ Bao dung, độ lượng
+ Giàu đức hi sinh
=> Yêu thương con vô bờ bến+ Từng trải, hiểu biết lẽ đời (thậm chí nhiều câu nói rất đỗi bình thường nhưng lại gần như triết lí khiến Đẩu và Phùng phải ngỡ ngàng).
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Có nhiều nhưng nổi bật nhất là đối lập- tương phản:
+ Ngoại hình xấu xí ><><> “Hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn mỗi con người”
- Số phận phẩm chất của người phụ nữ hàng chài này là số phận và phẩm chất của những người PN vùng biển nói riêng và phụ nữ VN nói chung

Người đàn bà hàng chài trong"Chiếc thuyền ngoài xa"

Ðề: Hình ảnh người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

- Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng người đàn bà hàng chài lại là một người có ngoại hình xấu xí. Những nét thô kệch ấy, trong lam lũ vất vả bởi những lo toan và mưu sinh thường nhật, khi đã ngoài 40, lại càng trở nên đậm nét.
- Sức chịu đựng và sự hi sinh thầm lặng của người đàn bà làng chài làm nhiều người ngỡ ngàng
+ Vừa ở dưới thuyền lến tới chiếc xe rà phá mìn, chị đã bị chồng rút chiếc thắt lưng quật tới tấp. Nghệ sĩ Phùng tưởng chị sẽ tránh né hoặc kêu la. Nhưng chị cam chịu, nhẫn nhục, không kêu rên, không chống trả và cũng không chạy trốn. Chị chấp nhận những đòn roi như một phần cuộc đời mình; chấp nhận như cuộc sông của một người đi biển đánh cá phải đươg đầu với sóng to, gió lớn vậy. Muốn tồn tại thì phải chấp nhận.
+ Tuy nhiên, người đàn bà ấy cũng rất tự trọng. Chỉ sau khi biết được hành dộng vũ phu của chồng bị thằng Phác và người khách lạ chứng kiến, chị mới thấy đau đớn- vừa đau đớn vừa xấu hổ, nhục nhã. Chắc chắn đây không chỉ là sự đau đớn về thể xác. GIọt nước mắt đau khổ của người đàn bà đã trào ra. Đó là giọt nước mắt nhọc nhằn và chịu đựng.. Chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót, kể cả thằng Phác đứa con yêu của chị, và nhất là một người lạ. Thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm, nhưng người đàn bà ấy không hề bận tâm – một sự nhẫn nhục của người có nhân cách, có lòng tự trọng và thấu lẽ đời, có tình thương con vô bờ.
+ Khi ở tòa án huyện, chính người phụ nữ ấy đã đem đến cho phùng, Đẩu và người đọc những xúc cảm mới. ĐƯợc mời lên tòa án để giải quyết việc gia đình, lúc đầu chị rụt rè, tìm một góc dường chốn công đường kia để ngồi. CHị thấy sợ hãi khi đến một không gian lạ. Chị thật nhỏ bé, tội nghiệp ở chốn công đường kia. Cái thế ngồi là bị động, dù đã được Đẩu và phùng chia sẻ, cảm thông.
+ NMC đã dụng công nhấn mạnh vào sự đổi thay ngôn ngữ và tâm thế của người đàn bà hàng chài. Với chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng, lúc đầu chị thưa gửi, xưng con và có lúc van xin con lạy quý tòa. Khi đã lấy được tự tin, tâm thế đã thay đổi, người đàn bà đó đột ngột chuyển cách xưng hô: “chị cảm ơn các chú! Đây là lời chị nói thành thự, chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn lam lũ, khó nhọc…” Một sự hoán đổi ngoạn mục.+ Người đàn bà ấy chấp nhận đau khổ, coi nõi khổ là lẽ đương nhiên. CHị sống cho con chứ không phải cho mình. Nếu phụ nữ chấp nhận đàn ông uống rượu, thì chị cũng chấp nhận bị đánh, chỉ xin chồng đánh ở trên bờ, dừng để các con nhìn thấy.ĐÓ cũng là một cách ứng xử nhân bản.
+ Ở đây. Lẽ đời đã chiến thắng. Người lao động lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền nhưng cái tâm của một người thương con, thấu hiểu lẽ đời cũng là một thứ quyền uy có sức công phá lớn. Nó đã làm chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều.- Có thể nói, người đàn bà hàng chài là biểu tượng của tình mẫu tử. CHị quặn lòng vì thương con; chị đã cảm nhận và chấp nhận san sẻ nỗi đau với chồng, cảm thông và tha thứ cho chồng. VỚi chị, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên, cho dù có những tính cách sứt mẻ, chưa hoàn thiện
(sÁCH hướng dẫn ôn thi TN THPT 2008-2009)
Trích:
ĐỌc truyện này, mình cứ thấy hai hình ảnh đối lập: một người đàn bà lặng lẽ cam chịu, nhẫn nhục, cục mịch, xấu xi và một người đàn bà tươitansws, rạng rõ nụ cười trong bữa cơm gia đình. Dường như người đàn bà thứ 2 kia để lại ấn tượng sâu sắc hơn

Gợi ý - dẫn chứng tiêu biểu khi PT "AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG"

Dàn ý phân tích bài bút kí của Hoàng phủ Ngọc Tường
Nghe đọc bài kí: http://www41.websamba.com/thonhac/music.asp?love=483

1. Cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp sông Hương : được khơi gợi từ không gian và thời gian cụ thể.(Đoạn 1)Đó là khu vườn cổ sầm uất, bên dòng sông 'tỏa sáng một thần thái yên tĩnh và khoáng đạt'. Đó là những kí ức về Nguyễn Du, truyện Kiều: hình ảnh Nguyễn Du ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong, miên man trong vẻ đẹp của dong sông đang đổi sắc không ngừng và mùi hương của hoa trái trong vườn.Đó là âm sắc Huế thấp thoáng trong 'Truyện Kiều' : dòng sông đáy nước in trời , nội cỏ thơm, nắng vàng, khói biếc, dương liễu u hoài, hoa trà mi nồng nàn ,mùa thu quan san, vầng trăng thắm thiết,..._Cái bóng mông lung trong thơ Nguyễn Du, 'như một vang bóng thời gian, cặp tình nhân lí tưởng của Truyện Kiều: tìm kiếm, đuổi bắt, hào hoa, đam mê, thi ca và âm nhạc, gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở'.

2.Vẻ đẹp dòng sông Hương ở thượng nguồnhóng khoáng và man dạiSức sống mãnh liệt, hoang dại, dịu dàng, đắm say, như 'một bản trường ca của rừng già , rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn'. Khi chảy qua miền địa hình hiểm trở, sông Hương mang vẻ đẹp dữ dội: 'mãnh liệt qua ghềnh thác, cuộn xoắn như cơn lốc xoáy vào đáy vực bí ẩn', nhưng cũng có lúc lại 'dịu dàng, đắm say giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng'.Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương như một 'cô gái Digan, phóng khoáng và man dại', bởi rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ , một tâm hồn tự do và trong sáng.Nghệ thuật: so sánh, tu từ, ẩn dụ và nhân hóa.

3.Sông Hương khi về đến ngoại vi thành phố'Sắc đẹp dịu dàng , trí tuệ , người mẹ phù sa của một vùng văn hóa ,xứ sở', dòng sông duy nhất chỉ đi qua thành phố Huế.Với vốn hiểu biết sâu sắc về địa lí, văn hóa, lịc sử, tác giả miêu tả dòng sông thật sinh động vói cảm nhận mang nhiều khác biệt.Sông Hương như 'người con gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại (hình ảnh thơ mộng gợi liên tưởng cổ tích đến nàng công chúa ngủ trong rừng), Dòng sông hiện lên với 'khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm'.Lưu vực êm ả, thanh bình, vui tươi_giữa những bãi bờ xanh biếc , nhiều màu sắc trầm mặc, triết lí.Những lăng tẩm với 'giấc ngủ nghìn năm của vua chúa đựoc phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm lan tỏa khắp cả một vùng thượng lưu'.Vói những quan sát tinh tế, ngôn ngữ giàu hình tượng, so sánh, ẩn dụ , sông Hương trong dư vang Trường Sơn, dòng sông mềm như tấm lụa'. 'Những dãy đồi sừng sững như thành quách, với những đỉnh cao đột khởi :Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo', những ngọn đồi đã tạo ra nững mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời 'sớm xanh, trưa vàng ,chiều tím' rất lạ và đặc trưng như người Huề từng nhận xét.Sự thay đổi tính cách của người con gái sông Hương đưa ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, một cô gái Digan,man dại và phóng khoáng đã trở nên dịu dàng, e lệ, như 'người con gái đẹp được người tình mong đợi đến đánh thức', 'người mẹ phù sa của cả một vùng văn hóa xứ sở'.Thoảng đâu đó, mơ hồ mà vang vọng trong tâm thức Huế là tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, tiến gà từ xóm làng trung du bát ngát,...

Mỵ -trong đêm cứu A Phủ

Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài).

Mị là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn "Vợ chồngA Phủ" mà nhà văn Tô Hoài đã giành nhiều tài năng và tâm huyết để xâydựng. Truyện được trích từ tập "truyện Tây Bắc" (1953) của Tô Hoài.Trong chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng miền Tây Bắc (1952), Tô Hoàiđã có dịp sống, cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc miền núi,chính điều đó đã giúp Tô Hoài tìm được cảm hứng để viết truyện này. TôHoài thành công trong "Vợ chồng A Phủ" không chỉ do vốn sống, tình cảmsống của mình mà còn là do tài năng nghệ thuật cùa một cây bút tài hoa.Trong "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật,trong đó nổi bật và đáng chú ý nhất là biện pháp phân tích tâm lý vàhành động của Mị trong từng chặng đường đời. Điểm nghệ thuật ấy thật sựphát sáng và thăng hoa trong đoạn văn miêu tả tâm lý và hành động củanhân vật Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ. Qua đó ta thấy được giá trịhiện thực và nhân đạo của tác phẩm.

Trong tác phẩm này, điều gây cho bạn đọc ấn tượngnhất đó chính là hình ảnh của cô gái "dù làm bất cứ việc gì, cô ta cũngcúi mặt, mắt buồn rười rượi". Đó là tâm lý của một con người cam chịu,buông xuôi trước số phận, hoàn cảnh sống đen tối đầy bi kịch. Sở dĩ Mịcó nét tính cách ấy là do cuộc sống hôn nhân cưỡng bức giữa Mị và A Sử.Mị không được lấy người mình yêu mà phải ăn đời ở kiếp với một người màmình sợ hãi, lạnh lùng. Một nguyên nhân nữa chính là do uy quyền, thầnquyền, đồng tiền của nhà thống lý Pá Tra đã biến Mị thành một đứa condâu gạt nợ. Mang tiếng là con dâu của một người giàu có nhất vùng,nhưng thật sự Mị chỉ là một kẻ nô lệ không hơn không kém. Điều đó làmMị đau khổ, Mị khóc ròng rã mấy tháng trời và từng có ý định ăn nắm lángón kết thúc cuộc đời mình. Thế nhưng "sống lâu trong cái khổ, Mị quenkhổ rồi". Chính vì thế Mị đã buông xuôi trước số phận đen tối của mình,trái tim của Mị dần chai sạn và mất đi nhịp đập tự nhiên của nó.

Song song với nét tính cách đó lại là tâm trạng củamột người yêu đời, yêu cuộc sống, mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh sốngđen tối, đầy bi kịch. Điều đó đã được thể hiện trong đêm mùa xuân.

Trong đêm mùa xuân ấy, tâm trạng của Mị phát triểntheo những cung bậc tình cảm khác nhau, cung bậc sau cao hơn cung bậctrước. Ban đầu, Mị nghe tiếng sáo Mèo quen thuộc, Mị nhẩm thầm bài hátngười đang thổi, rồi Mị uống rượu và nhớ lại kỷ niệm đẹp thời xa xưa...Mị ý thức được về bản thân và về cuộc đời rồi Mị muốn đi chơi. Nhưngsợi dây thô bạo của A Sử đã trói đứng Mị vào cột. Thế nhưng sợi dây ấychỉ có thể "trói" được thân xác Mị chứ không thể "trói" được tâm hồncủa một cô gái đang hòa nhập với mùa xuân, với cuộc đời. Đêm ấy thật làmột đêm có ý nghĩa với Mị. Đó là đêm cô thực sự sống cho riêng mình sauhàng ngàn đêm cô sống vật vờ như một cái xác không hồn. Đó là một đêmcô vượt lên uy quyền và bạo lực đế sống theo tiếng gọi trái tim mình.

Sau đêm mùa xuân ấy, Mị lại tiếp tục sống kiếp đờitrâu ngựa. Thế nhưng viết về vấn đề này, Tô Hoài khẳng định: cái khổcái nhục mà Mị gánh chịu như lớp tro tàn phủ khuất che lấp sức sốngtiềm tàng trong lòng Mị. Và chỉ cần có một luồng gió mạnh đủ sức thổiđi lớp tro buồn nguội lạnh ấy thì đốm lửa ấy sẽ bùng cháy và giúp Mịvượt qua cuộc sống đen tối của mình. Giá trị nhân đạo của tác phẩm ngờilên ở chỗ đó.

Và cuối cùng, luồng gió ấy cũng đến. Đó chính lànhững đêm mùa đông dài và buồn trên núi rừng Tây Bắc đang về. Mùa đôngrét buốt như cắt da cắt thịt, vì thế đêm nào Mị cũng ra bên ngoài bếplửa để thổi lửa hơ tay. Trong những đêm đó Mị gặp A Phủ đang bị tróiđứng chờ chết giữa trời giá rét. Thế nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửahơ tay "Dù A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi". Tại sao Mị lạilãnh cảm, thờ ơ trước sự việc ấy? Phải chăng việc trói người đến chếtlà một việc làm bình thường ở nhà thống lý Pá Tra và ai cũng quen vớiđiều đó nên chẳng ai quan tâm đến. Hay bởi Mị "sống lâu trong cái khổ,Mị quen khổ rồi" nên Mị lãnh đạm, thờ ơ trước nỗi đau khổ của ngườikhác. Một đêm nữa lại đến, lúc đó mọi người trong nhà đã ngủ yên cảrồi, Mị lại thức dậy đến bếp đốt lửa lên để hơ tay. Lửa cháy sáng, "Mịlé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắtlấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Đó là dòng nước mắt củamột kẻ nô lệ khi phải đối mặt với cái chết đến rất gần. Chính "dòngnước mắt lấp lánh ấy" đã làm tan chảy lớp băng giá lạnh trong lòng Mị.Lòng Mị chợt bồi hồi trước một người, trùng cảnh ngộ. Đêm mùa xuântrước Mị cũng bị A Sử trói đứng thế kia, có nhiều lần khóc nước mắt rơixuống miệng, xuống cổ không lau đi được. Mị chợt nhận ra người ấy giốngmình về cảnh ngộ, mà những người cùng cảnh ngộ rất dễ cảm thông chonhau. Mị nhớ lại những chuyện thật khủng khiếp lúc trước kia, “chúng nóbắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở trong cái nhà này”. Lýtrí giúp Mị nhận ra “Chúng nó thật độc ác”. Việc trói người đến chếtcòn ác hơn cả thú dữ trong rừng. Chỉ vì bị hổ ăn mất một con bò mà mộtngười thanh niên khỏe mạnh, siêng năng, say sưa với cuộc đời đã phảilấy mạng mình thay cho nó. Bọn thống trị coi sinh mạng của A Phủ khôngbằng một con vật. Và dẫu ai phạm tội như A Phủ cũng bị xử phạt như thếmà thôi. Nhớ đến những chuyện ngày trước, trở về với hiện tại, Mị đaukhổ cay đắng cho thân phận của mình: “Ta là thân đàn bà chúng nó đẵ bắtta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết chờ ngày rũ xương ở đâythôi”. Nghĩ về mình, Mị lại nghĩ đến A Phủ “có chừng này, chỉ đêm naythôi là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ngườikia việc gì mà phải chết như thế. A Phủ…. Mị phảng phất nghĩ như vậy”.Thật sự, chẳng có lí do gì mà bọn thống lí Pá Tra bắt A Phủ phải chếtvì cái tội để mất một con bò! Trong đầu Mị bỗng nhiên nghĩ đến cảnh APhủ bỏ trốn và chính Mị sẽ là người chết thay cho A Phủ trên cái cộttưởng tượng đó. Thế nhưng, Mị vẫn không thấy sợ, sự suy tưởng của Mị làcó cơ sở của nó. Cha con Pá Tra đã biến Mị từ một con người yêu đời,yêu cuộc sống, tài hoa chăm chỉ, hiếu thảo, tha thiết với tình yêuthành một con dâu gạt nợ, một kẻ nô lệ đúng nghĩa, chúng đã tàn ác khitrói một người đàn bà ngày trước đến chết thì chẳng lẽ chúng lại khôngđối xử với Mị như thế ư? Như vậy, chứng kiến “dòng nước mắt lấp lánh”của A Phủ, tâm trạng của Mị diễn biến phức tạp. Mị thông cảm với ngườicùng cảnh ngộ, Mị nhớ đến chuyện người đàn bà ngày trước, lí trí giúpMị nhận ra bọn lãnh chúa phong kiến thật độc ác, Mị xót xa trước sốphận của mình rồi Mị lại nghĩ đến A Phủ; sau đó Mị lại tưởng tượng đếncái cảnh mình bị trói đứng… Một loạt nét tâm lí ấy thúc đẩy Mị đến vớihành động: dùng dao cắt lúa rút dây mây cởi trói cho A Phủ. Đó là mộtviệc làm táo bạo và hết sức nguy hiểm nhưng nó phù hợp với nét tâm lícủa Mị trong đêm mùa đông này.

Sau khi cắt dây cởi trói cho A Phủ, Mị cũng không ngờmình dám làm một chuyện động trời đến vậy. Mị thì thào lên một tiếng“đi ngay” rồi Mị nghẹn lại. A Phủ vùng chạy đi, còn Mị vẫn đứng lặngtrong bóng tối. Ta có thể hình dung được nét tâm lí ngổn ngang trăm mốicủa Mị lúc này. Lòng Mị rối bời với trăm câu hỏi: Vụt chạy theo A Phủhay ở đây chờ chết?. Thế là cuối cùng sức sống tiềm tàng đã thôi thúcMị phải sống và Mị vụt chạy theo A Phủ. Trời tối lắm nhưng Mị vẫn băngđi. Bước chân của Mị như đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúaphong kiến đương thời đã đè nặng tâm hồn Mị suốt bao nhiêu năm qua. Mịđuổi kịp A Phủ và nói lời đầu tiên. Mị nói với A Phủ sau bao nhiêu nămcâm nín: “A Phủ. Cho tôi đi! Ở đây thì chết mất”. Đó là lời nói khaokhát sống và khát khao tự do của nhân vật Mị. Câu nói ấy chứa đựng biếtbao tình cảm và làm quặn đau trái tim bạn đọc. Đó chính là nguyên nhân- hệ quả của việc Mị cắt đứt sợi dây vô hình ràng buộc cuộc đời củamình. Thế là Mị và A Phủ dìu nhau chạy xuống dốc núi. Hai người đã rờibỏ Hồng Ngài - một nơi mà những kỉ niệm đẹp đối với họ quá ít, còn nỗibuồn đau, tủi nhục thì chồng chất không sao kể xiết. Hai người rời bỏHồng Ngài và đến Phiềng Sa, nhưng những ngày phía trước ra sao họ cũngchưa biết đến…

Rõ ràng, trong đêm mùa đông này, sức sống tiềm tàngđóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính nó đã giúp Mị vượt lên trênsố phận đen tối của mình. Mị cứu A Phủ cũng đồng nghĩa với việc Mị tựcứu lấy bản thân mình. Qua đoạn trích trên, Tô Hoài đã ca ngợi nhữngphẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ miền núi nói riêng và những người phụnự Việt Nam nói chung. Tô Hoài đã rất cảm thông và xót thương cho sốphận hẩm hiu, không lối thoát của Mị. Thế nhưng bằng một trái tim nhạycảm và chan chứa yêu thương, Tô Hoài đã phát hiện và ngợi ca đốm lửacòn sót lại trong trái tim Mị. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn sáng lên ởđó. Đồng thời qua tác phẩm, Tô Hoài cũng đã khẳng định được chân límuôn đời: ở đâu có áp bức bất công thì ở đó có sự đấu tranh để chốnglại nó dù đó là sự vùng lên một cách tự phát như Mị. Quả thật, tác phẩmnày giúp ta hiểu được nhiều điều trong cuộc sống.

Với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” nói riêng và tập“Truyện Tây Bắc” nói chung, ta hiểu vì sao Tô Hoài lại thành công trongthể loại truyện ngắn đến như vậy. Nét phong cách nghệ thuật: màu sắcdân tộc đậm đà chất thơ chất trữ tình thấm đượm, ngôn ngữ lời văn giàutính tạo hình đã hội tụ và phát sáng trong truyện ngắn này. Tác phẩm“Truyện Tây Bắc” xứng đáng với giải nhất truyện ngắn - giải thưởng doHội nghệ sĩ Việt Nam trao tặng năm 1954 - 1955. Và “Vợ chồng A Phủ”thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc bởi những giá trịnghệ thuật, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của nó. Truyện ngắnnày quả là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài.

Đối với riêng em, truyện “Vợ chồng A Phủ” giúp em cảmthông sâu sắc trước nỗi khổ của người phụ nữ trong xã hội phong kiếnmiền núi, từ đó giúp em ngày càng trân trọng khát vọng của họ hơn. Đâyquả là một tác phẩm văn chương đích thực bởi nó đã góp phần nhân đạohóa tâm hồn bạn đọc như Nam Cao đã quan niệm trong truyện ngắn “Đờithừa”.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Chiếc thuyền ngoài xa

I. Về thể loại - loại hình
Có thể xếp Chiếc thuyền ngoài xa vào loại truyện mang tính chất luận đề, tức là loại truyện mà ở đó tác giả không giấu diếm ý định của mình muốn "luận" đến mức rốt ráo về một vấn đề nào đó của đời sống, của nghệ thuật. Thực ra, đã là một sáng tác văn học có giá trị, không tác phẩm nào lại không chứa đựng một cái nhìn, một tư tưởng của nhà văn về hiện thực. Nhưng trong tác phẩm luận đề, cái nhìn, tư tưởng này lộ ra ở bình diện thứ nhất, và mọi chi tiết, tình tiết, mọi hình ảnh đều được đưa vào một quan hệ mang tính "sắp đặt" rõ rệt. Dĩ nhiên, đối với những nhà văn tài năng (như Nam Cao với truyện Đôi mắt, như Nguyễn Minh Châu với các truyện ngắn Bức tranh, Bến quê, Dấu vết nghề nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa,...), việc tô đậm luận đề không đồng nghĩa với việc biến mọi sự kiện, nhân vật được kể tới thành một cái "loa" phát ngôn tư tưởng thuần tuý. Tính thẩm mĩ, sống động của các đối tượng vẫn luôn được coi trọng. Những điểm dị thường, phi lí (theo cách nhìn nhận thông thường), nếu có xuất hiện, đều cần được nhìn nhận dưới một ánh sáng khác. Chúng tồn tại như các biểu hiện đặc thù thuộc phạm trù "loại" của truyện luận đề. Hiểu như thế, độc giả có thể sẽ thôi bắt bẻ việc nhà văn đưa vào tác phẩm một số chi tiết không "thực" (như chi tiết người đàn ông làng chài đánh vợ, trút giận dữ theo đúng... thoả thuận). Quả tình, lúc mới xuất hiện, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trong hai tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985) đã từng bị "phê" trên vấn đề này. Cần nói thêm là loại truyện luận đề thường xuất hiện vào những thời điểm mà các nhà văn có nhu cầu tuyên ngôn về quan niệm sáng tác - thời điểm có những bước ngoặt trong sự phát triển của văn học nói chung.
Chiếc thuyền ngoài xa lấy cảm hứng từ các vấn đề thế sự. Có thể gọi cảm hứng của nó là cảm hứng thế sự, khác với cảm hứng sử thi - lãng mạn từng chi phối sáng tác Nguyễn Minh Châu giai đoạn trước 1975. Đặc điểm của tác phẩm mang cảm hứng thế sự là hướng về sinh hoạt hàng ngày của con người, khẳng định giá trị thẩm mĩ của cái đời thường, đi sâu khám phá hành trình của con người giữa một thực tại ngổn ngang nhằm tìm kiếm hạnh phúc và khẳng định nhân cách. Loại tác phẩm này biểu thị sự đổi mới trong quan niệm của nhà văn về tính chân thực của văn học, nhằm đưa văn học thoát khỏi tình trạng "minh hoạ" hay "tô vẽ", đề cập những chuyện xa lạ với mối bận tâm chính của bao con người đang phải lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong một hoàn cảnh đất nước đang đối diện với vô vàn khó khăn của thời hậu chiến. Sẽ rất thú vị nếu ta đọc Chiếc thuyền ngoài xa trong sự so sánh thường xuyên với những truyện khác của Nguyễn Minh Châu hay của một số nhà văn khác được sáng tác trong không khí sử thi của những ngày đánh Mĩ trước đây.
Do ý thức được rất sâu sắc về sự bất cập của loại sáng tác văn học ưa ban phát chân lí và "dắt tay độc giả", trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu muốn theo đuổi một lối viết giàu tính đối thoại dân chủ với người đọc. Ta không bắt gặp ở đây những kết luận dễ dàng, đơn giản. Cuộc sống bày ra nhiều nghịch lí, luôn bắt ta phải suy nghĩ lại về vô số vấn đề, trên cơ sở biết khắc phục, loại bỏ những định kiến, thành kiến, những thói quen nhìn nhận, đánh giá rất khô cứng đối với con người và sự vật, sự việc. Trước những tác phẩm như truyện ngắn này, tính tích cực của độc giả luôn được thử thách.
II. Tiếp cận văn bản
Tên truyện ngắn là Chiếc thuyền ngoài xa. Cái tên ấy dễ gợi liên tưởng đến một cái tên đối ứng : Chiếc thuyền vào gần (hay đến gần). Có lẽ đây là phản ứng tâm lí ở độc giả mà nhà văn muốn "thấy", bởi nhờ nó, cái "tứ" của truyện ngắn sẽ được người ta nhận thức một cách sâu sắc. ở ngoài xa, chiếc thuyền giống như biểu tượng của cái toàn mĩ, khiến khi chiêm ngưỡng nó, trong ta dấy lên những xúc cảm trong trẻo, nhẹ nhõm, lâng lâng. Còn vào gần, chiếc thuyền lại đưa đến biết bao bối rối, làm ta phải không ngừng trăn trở, dằn vặt. Tương quan giữa cái xa và cái gần ở đây hoá ra cũng là tương quan giữa cái bề ngoài và cái bề trong hoặc bề sâu. Nhìn từ xa, ta chỉ thấy được cái bề ngoài thơ mộng (hay ngỡ là thơ mộng) của sự vật, còn nhìn gần, ta mới có cơ hội phát hiện cái bề trong phức tạp không cùng, thậm chí gai góc của nó. Vậy, nên nhìn sự vật từ xa để khỏi "mua phiền, chuốc não", hay gắng tiếp cận sự vật ở tầm gần để lương tâm được thanh thản ? Đều hướng tới sự thanh thản cả, nhưng "thanh thản" theo kiểu thứ nhất gần như đồng nghĩa với thái độ sống hoặc vô tâm, hoặc cố tình "làm lơ" trước mọi sự, còn thanh thản theo kiểu thứ hai thì lại mang ý nghĩa đạo đức cao cả, gắn với thái độ can dự có trách nhiệm đối với đời và sẵn sàng chấp nhận những nhọc nhằn, khổ não. Tất nhiên, đối với tác giả truyện ngắn, sự lựa chọn hướng về phía nào đã rõ ràng, dứt khoát. Theo ông, nghệ thuật phải cất lên tiếng nói về sự thật cuộc đời và người nghệ sĩ phải biết tập trung nhãn lực, nhìn xuyên qua những cái bề ngoài "óng ánh" đôi khi mang tính chất lừa mị để nhận chân bản chất sự vật. Nhưng tác giả còn thấy thêm rằng : thực ra, việc nhìn sự vật ở tầm gần không hề làm triệt tiêu cảm xúc về cái đẹp, ngược lại, nó càng làm cho cảm xúc về cái đẹp có thêm chiều sâu (dĩ nhiên, cái đẹp lúc này đã được định nghĩa lại trên một nền tảng nhận thức mới về cuộc sống và nghệ thuật). Thấm nhuần tất cả những điều trên, người nghệ sĩ sẽ có được khả năng hành xử tự do trong quá trình sáng tác. Phùng - người phóng viên nhiếp ảnh trong truyện - đã không dại dột tự tước đoạt của mình cái quyền chụp ảnh "chiếc thuyền ngoài xa". Nhưng khi chính anh đã thấy được cái bề sâu của sự vật, bức phong cảnh "thuần tuý" do anh sáng tác vẫn có thể giúp người ta nhận ra bao nhiêu câu chuyện đời. Thì ra, đối tượng miêu tả cụ thể là quan trọng, nhưng một điều khác còn quan trọng hơn nhiều lần chính là thái độ, cách nhìn đúng đắn đối với con người và thực tại. Nếu "đọc ra" những suy tư thâm trầm này của nhà văn, độc giả hoàn toàn có thể giải thích được tính hữu lí của cái cảm giác "lạ lùng" mà nhân vật Phùng gặp phải (được kể tới ở cuối truyện) : "Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái mầu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy ở bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông...".
Từ điểm nhìn ngày hôm nay, có thể khẳng định : luận đề đặt ra trong Chiếc thuyền ngoài xa thật sự có ý nghĩa, không chỉ đối với Nguyễn Minh Châu mà còn đối với cả nền văn học cách mạng Việt Nam thời kì từ sau 1975 đến những năm Đổi mới. Chính nó cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao đối với văn chương và trên hết là đối với cuộc đời của tác giả. Đồng thời, nó cũng biểu lộ nỗ lực lớn, khát vọng lớn của ông muốn đổi mới văn học, đưa sáng tác thoát khỏi thói quen mĩ hoá, lí tưởng hoá hiện thực (mà các tiểu thuyết, truyện ngắn được viết ra trong thời chống Mĩ của chính ông đã góp phần tạo nên) để tiếp cận được "chất văn xuôi" của đời sống, để đi sâu khám phá số phận con người - vấn đề cốt tử quy định chiều sâu nhân bản của một nền văn học.
Một luận đề hay nếu không được biểu hiện bằng hình tượng nghệ thuật sinh động thì chắc chắn không gây được những ám ảnh lâu dài và sâu sắc. Là người viết, Nguyễn Minh Châu ý thức rất rõ về điều này. Bởi vậy mà ông có Chiếc thuyền ngoài xa từng gây được dư luận sôi nổi, đa chiều ngày nó mới ra đời. Không ít người đọc vào thời điểm đó có cảm giác khó khăn khi đến với tác phẩm. Do đã quen với một Nguyễn Minh Châu (nói rộng ra là quen với một loại hình sáng tác) thích hướng ngòi bút về những vấn đề của lí tưởng, luôn thể hiện niềm tin lãng mạn về con người và cuộc đời, lại thường "bao bọc nhân vật trong một bầu không khí vô trùng" (Ni-ku-lin), người ta bị "vấp" liên tục trước những tình huống nghịch lí mà nhà văn miêu tả trong Chiếc thuyền ngoài xa. Có một cái gì đó không thông thoát trong cái nhìn của nhà văn về cuộc đời chăng ? Có phải sự rối trí đã xuất hiện ở cây bút chiến sĩ thường vẫn vững vàng trong nhận thức tư tưởng ? Lại nữa, liệu có thể nói tới sự "non tay" của tác giả khi xử lí các chất liệu hiện thực nhằm làm sáng tỏ cái luận đề đã được xác định trước ? Tất cả những phân vân đó của một bộ phận người đọc không phải không có lí. Trong văn học cách mạng, từ trước đến khi ấy, thật hiếm có một tác phẩm trưng ra cái hiện thực bộn bề như vậy mà không kèm theo những kết luận đủ rõ ràng để hướng đạo cho độc giả. Nhưng đã quyết chọn con đường đổi mới nghệ thuật, nhà văn không thể nản bước. Trong khi có thể chưa tự tin lắm vào lí trí (và một phần vào tính hoàn thiện của tác phẩm), Nguyễn Minh Châu lại tỏ ra rất yên tâm với mẫn cảm nghệ sĩ của mình. Đối với ông, hành trình viết cũng là hành trình nhận thức, hành trình truy cầu sự thật. Trước khi các "tình huống nhận thức" trong truyện làm lay chuyển những thói quen suy xét vấn đề của độc giả, chính chúng đã làm nhà văn "ngộ" ra bao điều hệ trọng về cuộc sống, về sứ mệnh của văn chương.
Có thể xem nhân vật Phùng là sự hoá thân của tác giả. Cho anh đóng vai người kể chuyện trong tác phẩm, nhà văn muốn có điều kiện bộc lộ gần như trực tiếp những suy nghĩ của mình trước một hiện thực được nhìn ở tầm gần. Tất nhiên, giác ngộ chân lí là cả một quá trình. Tác giả hẳn có chủ ý khi tô đậm niềm xúc động của Phùng lúc anh phóng viên này tình cờ bắt gặp "một cảnh "đắt" trời cho" trên đường "săn ảnh" - cảnh chiếc thuyền bơi trên mặt biển trong sương mù của buổi bình minh. Phùng là một nghệ sĩ nhạy cảm - điều này đã hiển nhiên. Nhưng "thông tin" chính mà tác giả muốn đưa tới cho người đọc không nằm ở đó. Cái ông muốn báo hiệu là : tạng chất nghệ sĩ theo kiểu của Phùng có cơ đưa người ta đến thái độ dễ bằng lòng với những vẻ đẹp bề ngoài của sự vật, trong khi ở đời, mọi chuyện phức tạp hơn thế nhiều. Quả vậy, khi chiếc thuyền "đâm thẳng" vào chỗ Phùng đứng để khởi đầu cho việc "trình diễn" một loạt chuyện dị thường, Phùng thoạt đầu chỉ biết "đứng há mồm ra mà nhìn" trong trạng thái kinh ngạc tột độ. Rõ là Phùng hoàn toàn chưa có ý thức chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối diện với muôn nghịch lí của cuộc đời. Tiếp theo cú sốc đầu tiên khi vô tình chứng kiến cảnh người đàn ông thuyền chài đưa vợ hắn ta lên bờ để đánh trút giận, Phùng còn phải trải qua nhiều đợt "kinh ngạc" nữa : cậu bé Phác vốn thân với anh bỗng xa lánh và dường như thù ghét anh ; người đàn bà được anh "cứu" xem ra không mấy biết ơn ân nhân bất đắc dĩ, thậm chí còn muốn anh không can dự vào chuyện của chị ta ; kẻ bị hành hạ dứt khoát không muốn bỏ người chồng đã nện mình như cơm bữa... Sau khi tận mắt chứng kiến những sự thật xót xa của cuộc đời, cũng là những điều "không thể nào hiểu được" (dù đã cố tìm mọi cách giải thích, theo định kiến và giới hạn hiểu biết của mình), Phùng dường như đã đổi khác. Chi tiết tả anh "khoác chiếc máy ảnh đi lang thang cho đến tận khuya" gián tiếp nói lên điều đó. Anh không còn hứng thú "triết lí" và thậm chí mất khả năng "triết lí" một cách dễ dàng về mối quan hệ giữa cái đẹp và đạo đức như khi đứng ngắm hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa. Anh để ngỏ tâm hồn cho bao cảnh sắc của một hiện thực ít thi vị ùa tới, choán đầy, xôn xao cất lời bằng tiếng nói riêng của chúng : "mây đen xếp ngổn ngang trên bãi biển đen ngòm", "sóng bạc đầu ngoài cửa lạch nổi cồn lên, cao như những ngọn núi tuyết trắng", "những tàn lửa đỏ rực bay quẩn lên", "con thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá",... Đối với anh lúc này, hẳn những kết luận sẵn có về cuộc đời bỗng trở nên quá nghèo nàn và hời hợt. Chúng tan đi, nhường chỗ cho những cảm giác mới tụ lại và lớn dần lên.
Trong truyện ngắn, không chỉ có Phùng - nhân vật kể chuyện - mới trải qua quá trình từ ngạc nhiên tới vỡ lẽ và "bừng ngộ". Ông bạn Đẩu của anh cũng gặp tình huống nhận thức tương tự. Là chánh án Toà án huyện, Đẩu muốn xếp đặt mọi việc đúng với pháp luật và cũng thuận theo lẽ phải thông thường. Thế nhưng, anh luôn bị bất ngờ và những giải pháp "đúng đắn" mang tính lí thuyết do anh đề xuất đã bị thực tế đời sống bác bỏ. Người đàn bà đau khổ nọ đã từ chối việc li hôn theo lời khuyên của anh. Anh từng không hiểu "thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông", không hiểu cái lí của sự cam chịu ở những con người sống trong vòng vây của đói nghèo và lạc hậu, cũng không hiểu sự đan cài rối rắm giữa tình thương và hành động tàn nhẫn, giữa niềm vui và nỗi buồn trong một gia đình... Việc nghe chuyện của người đàn bà thuyền chài đã khơi lên trong anh cuộc đối thoại gay gắt giữa thói quen suy nghĩ một chiều và thái độ chấp nhận tính phức tạp muôn thuở của cuộc sống. Cuối cùng, "một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển". Rồi Đẩu có đưa ra được giải pháp mới nào không để giải quyết "sự vụ" của gia đình thuyền chài ấy ? Điều này tác giả không nói tới. Mà biết nói làm sao bây giờ ! Cuộc sống dễ gì chấp nhận sự sắp đặt duy ý chí của chúng ta. Hãy để các phương án giải quyết vấn đề tự chúng hình thành trong đầu mỗi độc giả...
Nhìn bề ngoài, điều mà hai nhân vật Phùng và Đẩu vỡ lẽ trong hành trình nhận thức không hoàn toàn giống nhau. Chẳng có gì khó hiểu một khi ta đã biết công việc và nghề nghiệp của hai người vốn khác nhau. Nhưng xét ở bề sâu, các chân lí được giác ngộ rất thống nhất. Chuyện của Đẩu vốn được kể qua lời của Phùng, vậy nên, nhận thức của Đẩu đã được "tích hợp" vào nhận thức của Phùng - một nghệ sĩ. Nếu cần khái quát, ta có thể nói : vấn đề nhận thức trung tâm được đặt ra trong Chiếc thuyền ngoài xa chính là mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Vấn đề tuy không mới nhưng lại bắt ta phải không ngừng suy nghĩ. Mỗi nghệ sĩ, mỗi thời kì văn học nghệ thuật sẽ có một lời giải của riêng mình. (Phan Huy Dũng)

Hồn Trương Ba, da hàng thịt

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
của Lưu Quang Vũ
****
Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ - một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh... nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại. Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1984, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan. Theo lời khuyên của "tiên cờ" Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu "sửa sai" bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Qua các cuộc đối thoại của Trương Ba, tác giả dần tạo nên một mạch truyện dẫn dắt người xem hiểu sâu hơn về Trương Ba Đoạn trích là phần lớn cảnh VII. Đây cũng là đoạn kết của vở kịch, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm. Sau mấy tháng sống trong tình trạng "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo", nhân vật Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình, muốn thoát ra khỏi nghịch cảnh trớ trêu.
Trước khi Đế Thích xuất hiện
+ Trước khi diễn ra cuộc đối thoại giữa hồn và xác, nhà viết kịch đã để cho Hồn Trương Ba "ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy" với một lời độc thoại đầy khẩn thiết:
"- Không. Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi này lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng, thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc!Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát".
+ Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ (Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện khắc khoải)
- Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm.
- Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa.
+ Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Hồn Trương Ba cũng càng lúc càng rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng.
+ Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí bởi xác nói những điều mà dù muốn hay không muốn Hồn vẫn phải thừa nhận (cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với "tay chân run rẩy", "hơi thở nóng rực", "cổ nghẹn lại" và "suýt nữa thì...". Đó là cảm giác "xao xuyến" trước những món ăn mà trước đây Hồn cho là "phàm". Đó là cái lần ông tát thằng con ông "tóe máu mồm máu mũi",...).
+ Xác anh hàng thịt gợi lại tất cả những sự thật ấy khiến Hồn càng cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình ti tiện.
+ Xác anh hàng thịt còn cười nhạo vào cái lí lẽ mà ông đưa ra để ngụy biện: "Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn,...".
+ Trong cuộc đối thoại này, xác thắng thế nên rất hể hả tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo khi thì lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc. Hồn chỉ buông những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo những tiếng than, tiếng kêu.
+ Nỗi đau khổ, tuyệt vọng của Hồn Trương Ba càng được đẩy lên khi đối thoại với những người thân.
- Người vợ mà ông rất mực yêu thương giờ đây buồn bã và cứ nhất quyết đòi bỏ đi. Với bà "đi đâu cũng được... còn hơn là thế này". Bà đã nói ra cái điều mà chính ông cũng đã cảm nhận được: "ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa".
- Cái Gái, cháu ông giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó một mực khước từ tình thân (tôi không phải là cháu ông... Ông nội tôi chết rồi). Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có "bàn tay giết lợn", bàn chân "to bè như cái xẻng" đã làm "gãy tiệt cái chồi non", "giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm" trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó, "Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy". Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!".
- Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông khổ lắm, "khổ hơn xưa nhiều lắm". Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình "như sắp tan hoang ra cả" khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: "Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa..."
Tất cả những người thân yêu của Hồn Trương Ba đều nhận ra cái nghịch cảnh trớ trêu. Họ đã nói ra thành lời bởi với họ cái ngày chôn xác Trương Ba xuống đất họ đau, họ khổ nhưng "cũng không khổ bằng bây giờ".
+ Sau tất cả những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng, giọng nói riêng của mình đã khiến Hồn Trương Ba cảm thấy không thể chịu nổi. Nỗi cay đắng với chính bản thân mình cứ lớn dần... lớn dần, muốn đứt tung, muốn vọt trào.
+ Nhà viết kịch đã để cho Hồn Trương Ba còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với những lời độc thoại đầy chua chát nhưng cũng đầy quyết liệt: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ... Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? "Chẳng còn cách nào khác"! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!". Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.
Từ khi Đế Thích xuất hiện
+ Cuộc trò chuyện giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích trở thành nơi tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết. Hai lời thoại của Hồn trong cảnh này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng:
- Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn...
- Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!.
Người đọc, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua hai lời thoại này. Thứ nhất, con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Thứ hai, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện.
+ Quyết định dứt khoát xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của nhân vật Hồn Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí. Hơn nữa, quyết định này cần phải đưa ra kịp thời vì cu Tị vừa mới chết. Hồn Trương Ba thử hình dung cảnh hồn của mình lại nhập vào xác cu Tị để sống và thấy rõ "bao nhiêu sự rắc rối" vô lí lại tiếp tục xảy ra. Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến Hồn Trương Ba đi đến quyết định dứt khoát. Qua quyết định này, chúng ta càng thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt, đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.
Cái chết của cu Tị có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch đi đến chỗ "mở nút". Dựng tả quá trình đi đến quyết định dứt khoát của nhân vật Hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đảm bảo được tính tự nhiên, hợp lí của tác phẩm.
Tóm lại:
Không chí có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, rong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ:
Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển.
Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn.
Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán.
Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.
Với tất cả những ý nghĩa đó, đoạn trích rất tiêu biểu cho phong cách viết kịch của Lưu Quang Vũ.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Giới thiệu chung

Blog http://nlvh12.blogspot.com/ là nơi chia sẻ, trao đổi để giúp các bạn học môn Văn 12 được tốt hơn.
Từ khóa tìm kiếm:"Van12 + vts" hoặc "nlvh+VTS" hoặc "nghiluanvanhoc + THPT + VOTHISAU"
-Các bạn có quyền tham khảo tất cả các bài viết đăng trên Blog này để tích lũy kinh nghiệm viết Văn , tham khảo các ý tưởng có trong các bài viết để làm giàu tri thức và vốn hiểu biết, vốn sống...cũng như tham khảo những kỹ năng, lập luận,các thao tác... cần thiết để viết một bài văn theo những yêu cầu khác nhau.
-Các bạn cũng có quyền trao đổi ý kiến của mình xung quanh các đề tài đã công bố, phản hồi các ý kiến trao đổi... bằng cách nhấp vào đường liên kết có chữ "Nhận xét" ở cuối các bài viết và trực tiếp ghi ý kiến của mình vào ô "Để lại nhận xét của bạn" rồi nhập "Xác minh từ" căn cứ vào những từ hiển thị trên màn hình, rồi chọn "Nặc danh" (Nếu không muốn để lại tên tuổi
- Còn nếu muốn để lại địa chỉ để liên lạc sau này thì nhấp vào Ô tương ứng "ID mở" hoặc "Tên/URL" VÀ LÀM THEO HƯỚNG DẪN). Rồi nhấp chọn "Công bố nhận xét của bạn".-Người nhận xét cũng có thể xem trước lời nhận xét của mình bằng cách chọn "XEM TRƯỚC", nếu đồng ý mới chọn "CÔNG BỐ NHẬN XÉT CỦA BẠN"
-Rất mong nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ, tranh luận... của các bạn để tất cả chúng ta có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng viết văn .-Chúc các bạn sẽ hoàn thành tốt nhất những baì kiểm tra, bài thi học kỳ và thi tốt nghiệp THPT.